Nhiễm trùng chân răng là một biến chứng của việc răng sâu không được điều trị triệt để. Tình trạng này có thể dẫn tới áp xe răng, máu nhiễm trùng hay thậm chí tử vong nếu không được chữa trị kịp thời. Vậy các triệu chứng của tình trạng này là gì và có phương pháp nào để chữa trị? Hãy cùng I-Dent DiamondTech tìm hiểu trong bài viết sau.
1. Nhiễm trùng chân răng là gì?
Nhiễm trùng răng là một tình trạng bệnh lý xảy ra khi vi khuẩn xâm nhập vào sâu bên trong răng, gây viêm nhiễm và phá hủy cấu trúc răng. Khi số lượng vi khuẩn tăng lên quá mức, chúng sẽ gây ra các phản ứng viêm, dẫn đến sưng đau, mưng mủ và các dấu hiệu khác.
2. Các triệu chứng bị nhiễm trùng chân răng
Nhiễm trùng chân răng có thể được nhận biết qua các triệu chứng sau:
2.1 Đau nhức răng
Nhiễm trùng chân răng thường biểu hiện rõ ràng qua cơn đau răng. Cơn đau răng có thể bắt đầu từ âm ỉ, ê buốt và trở nên dữ dội hơn theo thời gian. Cảm giác đau nhức này không chỉ ảnh hưởng đến vùng răng bị nhiễm mà còn lan rộng ra các khu vực xung quanh như hàm, tai, thái dương và thậm chí cả đầu
Nếu không được điều trị kịp thời, nhiễm trùng có thể tiến triển nặng hơn, khiến người bệnh khó xác định chính xác răng bị ảnh hưởng và cần phải chụp X-quang để chẩn đoán.
2.2 Răng nhạy cảm hơn
Khi răng bị nhiễm trùng, cấu trúc răng bị phá hủy, tạo ra những lỗ nhỏ li ti khiến răng trở nên nhạy cảm và dễ bị ê buốt khi ăn đồ nóng, lạnh.
2.3 Lợi sưng và mưng mủ
Nhiễm trùng chân răng thường đi kèm với tình trạng viêm lợi. Lợi tại vị trí răng bị nhiễm sẽ có dấu hiệu sưng đỏ, đau nhức và lợi mưng mủ. Ổ mủ này nếu không được điều trị sẽ vỡ ra, gây viêm nhiễm ở các vùng xung quanh và làm cho hơi thở có mùi.
2.4 Răng bị đổi màu
Răng bị nhiễm trùng thường mất đi màu sắc tự nhiên, khiến răng đổi màu sang màu nâu hoặc xám. Điều này là do tủy răng chết đi, giải phóng các chất độc và làm biến đổi màu sắc của răng.
2.5 Sưng hạch
Sưng hạch là một dấu hiệu cảnh báo nhiễm trùng răng đã lan rộng. Vi khuẩn gây nhiễm từ răng có thể di chuyển đến các hạch bạch huyết dưới hàm và cổ, gây viêm nhiễm và khiến hạch sưng đau.
2.6 Sốt
Nhiễm trùng răng nặng có thể gây ra phản ứng toàn thân, biểu hiện rõ rệt qua sốt cao trên 38 độ C. Sốt là những dấu hiệu cho thấy tình trạng nhiễm trùng đã lan rộng và cần được điều trị ngay lập tức.
3. Nguyên nhân làm nhiễm trùng răng
Răng bị nhiễm trùng thường do các nguyên nhân phổ biến sau:
- Răng bị sâu nặng: Sâu răng nặng làm phá hủy lớp men răng, tạo ra các lỗ nhỏ khiến vi khuẩn xâm nhập và gây ra nhiễm trùng bên trong răng.
- Răng bị nứt, mẻ: Khi răng bị nứt do chấn thương, các lỗ hổng nhỏ sẽ xuất hiện. Qua những lỗ hổng này, vi khuẩn dễ dàng xâm nhập vào bên trong răng, gây viêm nhiễm tủy và các mô xung quanh.
- Bệnh lý viêm nha chu: Bệnh nha chu là một tình trạng nhiễm trùng nghiêm trọng ảnh hưởng đến xương và các mô nâng đỡ răng. Nếu không được điều trị, tình trạng này có thể dẫn đến mất răng.
- Các yếu tố làm tăng nguy cơ: Hệ miễn dịch yếu, hút thuốc, vệ sinh răng miệng kém và khô miệng là những yếu tố làm giảm khả năng chống lại vi khuẩn gây hại, từ đó tăng nguy cơ nhiễm trùng răng.
Ngoài ra việc thực hiện các kỹ thuật nha khoa như bọc răng sứ sai cách cũng gây ra tình trạng nhiễm trùng răng. Khi mão sứ lắp không vừa khít, sẽ tạo ra những khoảng trống nhỏ giữa răng và mão sứ, trở thành nơi trú ẩn lý tưởng cho vi khuẩn. Hơn nữa, việc mài răng quá nhiều cũng có thể gây ra tình trạng này.
4. Nhiễm trùng chân răng nguy hiểm không?
Nhiễm trùng răng là một tình trạng nghiêm trọng, đe dọa sức khỏe răng miệng và toàn thân. Nếu không được điều trị kịp thời, tình trạng này có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm sau:
- Nang do răng: Khi răng bị nhiễm trùng nặng, một túi chứa dịch có thể hình thành ở chân răng. Nang răng có thể làm tiêu xương hàm, gây đau nhức và dẫn đến mất răng nếu không được điều trị kịp thời.
- Hoại tử sàn miệng: Hoại tử sàn miệng là tình trạng mô chết lan rộng từ vùng răng miệng xuống vùng cổ, gây ra bởi nhiễm trùng nặng. Bệnh nhân có thể có dấu hiệu sưng đau vùng hàm, khó nuốt, thậm chí đe dọa tính mạng.
- Nhiễm trùng huyết: Vi khuẩn từ răng nhiễm trùng có thể xâm nhập vào xoang hàm và lan rộng khắp cơ thể, gây ra tình trạng nhiễm trùng huyết nguy hiểm.
- Nguy hiểm đến tính mạng: Viêm nhiễm nặng có thể gây sưng tấy các mô xung quanh, gây tắc nghẽn đường thở, dẫn đến khó thở và thậm chí ngạt thở.
Qua những biến chứng nguy hiểm kể trên, các bác sĩ tại I-Dent DiamondTech luôn khuyến khích bạn đi khám răng định kỳ, tránh tình trạng nhiễm trùng xảy ra.
5. Cách điều trị nhiễm trùng chân răng hiệu quả
Dưới đây là các cách điều trị tình trạng nhiễm trùng chân răng:
5.1 Tạm thời giảm đau tại nhà
Nhiễm trùng chân răng là bệnh lý nghiêm trọng, do đó bệnh nhân không thể điều trị dứt điểm tại nhà. Chính vì vậy, bệnh nhân chỉ có thể làm giảm đau tạm thời bằng việc súc miệng bằng nước muối sinh lý. Sau đó, bệnh nhân có thể đến nha khoa để chữa trị.
5.2 Điều trị tại nha khoa
Khi nhận thấy những triệu chứng nhiễm trùng răng, bạn nên đến nha khoa để được bác sĩ thăm khám và điều trị. Mục đích khi điều trị ở nha khoa là để loại bỏ ổ viêm gây nhiễm trùng và bảo tồn răng tối đa. Tùy vào tình trạng nhiễm mà bác sĩ tiến hành các cách điều trị:
- Uống thuốc kháng sinh: Bác sĩ có thể chỉ định một số loại thuốc giảm đau, kháng sinh như Penicillin, Clindamycin, Metronidazole để điều trị tình trạng nhiễm trùng.
- Chích rạch và dẫn lưu mủ: Loại bỏ ổ viêm, giảm áp lực và đau nhức.
- Điều trị sâu răng và tủy: Làm sạch và trám bít ống tủy bị nhiễm khuẩn, giúp bảo tồn răng.
- Bọc răng sứ: Bảo vệ răng sau khi điều trị tủy, tăng cường độ bền và thẩm mỹ cho răng.
- Nhổ răng: Trường hợp nhiễm trùng quá nặng, không thể cứu chữa, nhổ răng là giải pháp cuối cùng để ngăn chặn viêm nhiễm lan rộng.
6. Cách phòng tránh nhiễm trùng chân răng
Để ngăn ngừa nhiễm trùng chân răng, bạn nên thực hiện các biện pháp vệ sinh răng miệng sau:
- Chải răng ít nhất 2 lần/ngày với bàn chải có lông tơ mềm và chải với lực nhẹ nhàng theo chiều dọc hoặc chiều xoắn ốc. Đồng thời, bạn nên thay mới bàn chải mỗi 3 tháng.
- Sử dụng chỉ nha khoa, tăm nước và súc miệng bằng nước muối sinh lý để làm sạch kẽ răng, khoang miệng sau khi ăn.
- Bổ sung thực phẩm giàu canxi, vitamin, chất xơ như rau xanh, trái cây, sữa và các sản phẩm từ sữa.
- Hạn chế đồ ăn vặt, đồ ngọt, đồ uống có gas và các chất kích thích gây hại cho răng như thuốc lá, cà phê,…
- Khám răng 6 tháng/lần để bác sĩ kiểm tra, lấy cao răng và phát hiện sớm các vấn đề về răng miệng.
Tóm lại, nhiễm trùng chân răng là một bệnh lý nguy hiểm, gây ra nhiều biến chứng nếu không được chữa trị kịp thời. Khi gặp các dấu hiệu răng nhiễm trùng, bệnh nhân cần đến nha khoa uy tín để được bác sĩ thăm khám và chữa trị kịp thời.