Viêm lợi là tình trạng lợi bị sưng tấy, dễ bị chảy máu khi đánh răng hoặc ngay cả khi bình thường. Tình trạng này có thể đi kèm theo hôi miệng gây khó chịu. Viêm nướu có thể gây ra do cao răng, mảng bám tích tụ lâu ngày không được làm sạch. Hãy cùng I-Dent DiamondTech tìm hiểu chi tiết về dấu hiệu, nguyên nhân và các phương pháp điều trị tình trạng này trong bài viết sau.
1. Viêm lợi là gì?
Viêm lợi là tình trạng nướu bị viêm gây ra do mảng bám chứa vi khuẩn bám lâu trên răng và gây viêm. Biểu hiện thường gặp của tình trạng này là mảng bám trên răng làm nướu sưng đỏ, chảy máu khi đánh răng và có chứa mủ. Không những vậy, mảng bám chứa vi khuẩn này còn làm men răng bị suy yếu theo thời gian.
Viêm lợi giai đoạn đầu thường không gây đau đớn, khiến nhiều người chủ quan. Thế nhưng, nếu không được can thiệp kịp thời, tình trạng này có thể dẫn đến hậu quả viêm nha chu, hay thậm chí mất răng.
2. Dấu hiệu nhận biết viêm lợi
Để nhận biết viêm lợi, bạn cần chú ý đến các dấu hiệu sau:
- Màu lợi đỏ nhạt chuyển sang sang màu đỏ thẫm, mức độ viêm càng nặng thì màu đỏ càng đậm.
- Lợi bị phì đại, sưng viêm, trong một số trường hợp, có thể xuất hiện mủ ở kẽ răng hoặc xung quanh nướu.
- Cao răng, mảng bám tập trung nhiều tại vị trí lợi bị sưng đỏ.
- Lợi rút xuống, lộ ra chân răng và răng có thể bị lỏng lẻo.
- Hơi thở có mùi hôi do vi khuẩn gây viêm của mảng bám, cao răng gây ra.
- Nướu chảy máu khi đánh răng hoặc dùng chỉ nha khoa, thậm chí cả khi ăn uống.
3. Nguyên nhân gây viêm lợi
Thói quen vệ sinh răng miệng không đúng cách chính là nguyên nhân hàng đầu gây ra viêm nướu. Mảng bám và cao răng tích tụ lâu ngày sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn sinh sôi, từ đó gây viêm nướu.
Ngoài ra, một số yếu tố khác như bọc răng sứ sai kỹ thuật, thay đổi nội tiết tố, thuốc hay tình trạng sức khỏe cũng làm tăng nguy cơ gây ra tình trạng này.
4. Viêm lợi có nguy hiểm không?
Viêm lợi rất nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời. Tình trạng này không chỉ gây đau nhức, chảy máu chân răng mà còn có thể dẫn đến viêm nha chu, áp xe, tụt lợi, ảnh hưởng sức khỏe toàn thân.
Ngoài ra, vi khuẩn gây viêm lợi có thể xâm nhập vào máu, gây ra các phản ứng viêm từ đó làm tăng nguy cơ mắc các bệnh mãn tính như tim mạch, tiểu đường,…
5. Các phương pháp điều trị viêm lợi
Mục tiêu điều trị viêm lợi là ngăn chặn bệnh tiến triển bằng cách làm sạch răng miệng và kiểm soát viêm nhiễm. Một số phương pháp có thể được áp dụng để điều trị như:
5.1. Cạo vôi răng làm sạch răng
Bác sĩ sẽ sử dụng sóng siêu âm để làm sạch, loại bỏ hoàn toàn mảng bám và vôi răng tích tụ dưới nướu và trên bề mặt răng. Ngoài ra, tia laser có thể được áp dụng để làm sạch sâu các kẽ răng và bề mặt chân răng, ngăn ngừa vi khuẩn tái nhiễm.
5.2. Sử dụng nước súc miệng kháng khuẩn
Sử dụng nước súc miệng kháng khuẩn là cách hiệu quả để làm sạch vụn thức ăn thừa, mảng bám và vi khuẩn gây hại làm nướu bị sưng viêm.
5.3. Uống thuốc trị viêm lợi
Để giảm đau nướu và viêm, bác sĩ có thể kê đơn các loại thuốc như Acetaminophen hay Ibuprofen. Tuy nhiên, người bệnh không nên tự ý dùng thuốc mà cần tuân theo chỉ định của bác sĩ.
5.4. Chỉnh sửa răng
Trong trường hợp bọc răng sứ sai kỹ thuật gây viêm lợi, bác sĩ bác sĩ có thể tiến hành mài chỉnh để làm cho mão sứ vừa khít với răng và nướu hơn. Trong trường hợp mão sứ bị chế tác sai kích thước, bác sĩ sẽ cần phải tháo bỏ mão sứ cũ và làm lại một mão sứ mới.
6. Cách khắc phục viêm lợi tại nhà
Để điều trị viêm lợi tại nhà, người bệnh cần chú trọng đến việc chăm sóc răng miệng hàng ngày. Điều này bao gồm:
- Đánh răng ít nhất 2 lần/ngày, mỗi lần khoảng 2 phút, sử dụng bàn chải lông mềm và kem đánh răng có chứa fluoride.
- Sử dụng chỉ nha khoa để loại bỏ mảng bám và thức ăn thừa ở những vị trí mà bàn chải không với tới được.
- Súc miệng bằng nước muối sinh lý để làm giảm viêm sưng.
- Tuân theo các hướng dẫn của bác sĩ khi điều trị tại nhà, đồng thời lên lịch khám răng và cạo vôi răng định kỳ với bác sĩ.
Bên cạnh đó, bạn có thể sử dụng các nguyên liệu tự nhiên có tính kháng khuẩn như mật ong, lá trầu không bôi trực tiếp lên vùng nướu đang bị sưng viêm.
7. Cách chăm sóc phòng ngừa viêm lợi
Để phòng ngừa tình trạng viêm lợi, bạn có thể áp dụng một số cách chăm sóc sau:
- Đánh răng 2 lần/ngày thay bàn chải định kỳ 3-4 tháng.
- Sử dụng chỉ nha khoa hoặc bàn chải kẽ răng.
- Súc miệng bằng nước súc miệng.
- Khám răng định kỳ 6-12 tháng một lần để bác kiểm tra và làm sạch răng miệng, giúp phát hiện sớm các vấn đề kịp thời.
- Không hút thuốc lá và sử dụng các chất kích thích gây hại cho nướu như rượu, bia.
- Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh với nhiều rau xanh, trái cây và hạn chế đồ ngọt.
Tóm lại, viêm lợi là tình trạng bệnh lý cần được điều trị kịp thời để bảo vệ sức khỏe răng miệng và sức khỏe toàn thân. Khi gặp dấu hiệu bị viêm nướu, bạn nên đến ngay các nha khoa để được bác sĩ thăm khám và điều trị kịp thời. Đồng thời, việc chăm sóc răng miệng đúng cách đóng vai trò quan trọng giúp ngăn ngừa bệnh tái phát.