Răng hàm là răng nằm ở vị trí trong cùng của hàm, có chức năng nghiền nhỏ thức ăn, hỗ trợ phát âm và tạo vẻ hài hòa cho gương mặt. Tuy nhiên, do nằm ở vị trí sâu trong hàm nên việc vệ sinh khá khó khăn, gây nên các vấn đề răng miệng. Hãy cùng I-Dent DiamondTech tìm hiểu chi tiết về cấu tạo, các vấn đề thường gặp và cách chăm sóc răng hàm hiệu quả trong bài viết sau.
1. Răng hàm là gì?
Răng hàm hay còn gọi là răng cối, là những chiếc răng có kích thước lớn, nằm ở phía sau cung hàm, trải dài từ vị trí răng số 4 đến số 8. Một người trưởng thành thường có từ 16-20 chiếc răng hàm, gấp đôi so với số lượng răng hàm ở trẻ nhỏ 14-18 tháng tuổi thường là 8 chiếc.
2. Phân loại răng hàm
Răng hàm được chia ra làm 2 loại: răng hàm nhỏ và răng hàm lớn.
2.1. Răng hàm nhỏ (răng tiền hàm)
Răng hàm nhỏ là những chiếc răng có kích thước vừa phải, nằm ở vị trí số 4 và số 5 trên cung hàm, cụ thể là giữa răng nanh và răng hàm lớn. Hình dạng răng này trông hơi giống răng nanh nhưng to hơn và có mặt nhai bằng phẳng.
2.2. Răng hàm lớn
Răng hàm lớn là những răng có kích thước lớn nhất trong góc hàm, nằm ở vị trí răng số 6, 7 và 8. Người lớn thường có 12 chiếc răng hàm lớn nhưng có thể ít hơn. Điều này là do răng số 6 và số 7 là răng vĩnh viễn tự mọc lên, trong khi răng khôn (số 8) mọc muộn nhất, có thể không mọc hoặc mọc không đủ. Răng hàm lớn là những chiếc răng khỏe mạnh nhất trên cung hàm nên đảm bảo chức năng ăn nhai và nghiền thức ăn hiệu quả.
3. Cấu tạo của răng hàm
Tương tự như các răng khác trên cung hàm, cấu tạo răng hàm gồm 3 phần: Men răng, ngà răng và tủy răng.
- Men răng: Men răng là lớp vỏ cứng chắc bao bọc bên ngoài răng, được cấu tạo từ 96% chất vô cơ (chủ yếu là canxi hydroxyapatite). Men răng có khả năng chịu lực, chống lại vi khuẩn và giảm ê buốt khi ăn đồ nóng, lạnh. Ngoài ra, men răng không có tế bào sống nên không có khả năng tự phục hồi khi bị tổn thương.
- Ngà răng: Ngà răng là lớp được bao bọc bởi men răng, có cấu tạo gồm 70% khoáng chất hydroxyapatite, 20% chất hữu cơ và 10% nước. Ngà răng có độ đàn hồi cao, không chỉ giúp răng tránh bị vỡ mà còn đóng vai trò như một lớp đệm bảo vệ tủy răng khỏi những tác động từ bên ngoài.
- Tủy răng: Là phần nằm sâu bên trong răng, được bao bọc bởi lớp ngà răng và men răng, có chứa các dây thần kinh, mạch máu và tế bào sống. Tủy răng có vai trò cung cấp chất dinh dưỡng để nuôi các mô xung quanh. Răng hàm lớn có 3-4 ống tủy và răng hàm nhỏ thường chỉ có 1-2 ống tủy.
4. Chức năng của răng hàm
Vai trò chính của răng cối bao gồm nghiền nát thức ăn, tạo nên một nụ cười đẹp và đảm bảo khả năng phát âm.
4.1. Nhai và nghiền nhỏ thức ăn
Răng hàm là răng lớn nhất và có số răng nhiều nhất trên cung hàm nên đảm nhận nhiệm vụ chính là nghiền nát thức ăn. Ngoài ra, răng hàm phối hợp với lưỡi và răng cửa nghiền nát thức ăn, giúp trộn đều với enzyme có trong nước bọt, từ đó giúp dạ dày tiêu hóa dễ dàng.
Chức năng nhai chủ yếu tập trung ở răng hàm số 6 và 7, còn răng hàm số 8 tham gia ít hơn vào quá trình này. Trong trường hợp răng khôn (răng số 8) mọc thiếu, mọc lệch phải nhổ bỏ thì cũng không làm ảnh hưởng đến khả năng nghiền thức ăn.
4.2. Thẩm mỹ
Dù nằm sâu bên trong, răng hàm góp phần không nhỏ vào vẻ đẹp hài hòa của khuôn mặt. Nhờ đó, khuôn mặt mới trở nên đầy đặn và hài hòa hơn. Ngoài ra, răng hàm cũng có vai trò bảo vệ xương hàm.
4.3. Đảm bảo khả năng phát âm
Răng hàm không chỉ đóng vai trò quan trọng trong việc nghiền nát thức ăn và tạo hình khuôn mặt mà còn hỗ trợ việc phát âm. Quá trình phát âm là một hoạt động đòi hỏi sự phối hợp nhịp nhàng giữa lưỡi, môi, vòm miệng và răng. Răng hàm góp phần tạo nên sự rõ ràng và chuẩn xác cho lời nói.
5. Các vấn đề thường gặp ở răng hàm
Răng hàm do vị trí sâu trong cung hàm, gây khó khăn trong việc vệ sinh nên thường gặp một số vấn đề sau:
5.1. Sưng lợi răng hàm
Dấu hiệu nhận biết sưng lợi răng hàm là phần lợi bị sưng phồng, có màu đỏ tươi hoặc đỏ sẫm. Trong trường hợp nghiêm trọng, phần lợi bên ngoài có thể che phủ răng. Việc bị sưng lợi răng cối có thể khiến người bệnh cảm thấy đau nhức khi ăn uống và giao tiếp trở nên khó khăn hơn.
5.2. Sâu răng hàm
Sâu răng hàm là vấn đề thường gặp nhất do răng nằm ở vị trí trong cùng, bề mặt có những rãnh lõm. Điều này khiến cho thức ăn dễ mặc kẹt lại, việc vệ sinh răng miệng trở nên khó khăn, tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập và gây sâu răng. Tình trạng sâu răng hàm xảy ra ở mọi lứa tuổi từ trẻ em đến người lớn, trong trường hợp nặng có thể dẫn đến mất răng.
Khi sâu răng gây đau nhức và ảnh hưởng đến chức năng nhai, bọc răng sứ là một giải pháp điều trị hiệu quả. Phương pháp này không chỉ giúp loại bỏ phần răng hàm bị sâu mà còn phục hồi lại hình dáng và chức năng của răng.
Ở phương pháp này, bác sĩ sẽ tiến hành chữa tủy, mài răng, lấy dấu răng và sau đó chụp mão sứ lên trên. Răng sứ có độ bền cao, chịu lực tốt nên có thể thay thế răng hàm bị sâu nghiền nát thức ăn hiệu quả.
5.3. Răng mọc lệch
Răng hàm số 8 (răng khôn) mọc ở cuối cùng khi xương hàm đã gần như hoàn thiện nên thường không đủ không gian. Điều này dẫn đến răng mọc lệch, gây đau nhức, sưng nướu và có thể được bác sĩ chỉ định nhổ răng.
5.4. Răng mòn mặt nhai
Răng mòn mặt nhai là tình trạng mặt nhai của răng hàm bị mòn do thường xuyên ăn nhai các đồ ăn cứng hay thói quen nghiến răng. Nếu tình trạng mòn nghiêm trọng có thể ảnh hưởng đến ngà răng và tủy răng. Do đó, bác sĩ thường chỉ định các phương pháp bọc răng sứ hay trám răng,… để điều trị tình trạng này.
Đối với trường hợp răng cối mòn mặt nhai nặng, bọc răng sứ thường được xem là giải pháp tối ưu vì nó mang lại nhiều ưu điểm vượt trội so với trám răng, giúp bảo vệ răng lâu dài và đảm bảo tính thẩm mỹ cao.
6. Cách chăm sóc răng hàm
Vị trí đặc biệt của răng cối khiến chúng dễ bị sâu răng và các bệnh lý răng miệng hơn so với các răng khác. Dưới đây là một vài lưu ý về cách chăm sóc để đảm bảo răng hàm luôn khỏe mạnh:
- Giữ thói quen chải răng ít nhất 2 lần/ngày, đừng quên chải cả mặt trong, mặt ngoài và bề mặt nhai của răng.
- Sử dụng thêm tăm nước, chỉ nha khoa và nước súc miệng để làm sạch thức ăn còn sót lại ở kẽ răng.
- Bạn nên xây dựng một chế độ ăn uống cân bằng, ưu tiên các loại thực phẩm giàu chất xơ, vitamin và khoáng chất.
- Hạn chế tiêu thụ đồ ngọt, nước ngọt có gas và các loại thực phẩm có tính axit cao để bảo vệ men răng
- Không hút thuốc lá và sử dụng các chất kích thích gây hại cho răng.
- Bỏ thói quen không tốt, gây mòn cho cho răng cối như cắn đồ cứng, nghiến răng về đêm.
- Khám răng và lấy cao răng định kỳ để duy trì sức khỏe răng miệng, đồng thời còn giúp bác sĩ sớm phát hiện ra bệnh lý để khắc phục kịp thời.
Qua những thông tin trên, chắc hẳn bạn đã hiểu rõ hơn về cấu tạo, chức năng quan trọng và những vấn đề thường gặp của răng hàm. Hy vọng các kiến thức hữu ích này sẽ giúp bạn có ý thức trong việc chăm sóc đúng cách để mang lại hàm răng chắc khỏe.